Tập đoàn Alibaba mang đến Lễ hội “Mua sắm toàn cầu 11/11” năm nay với chủ đề phát triển bền vững, toàn diện cho người dùng, nhà bán hàng, đối tác trong hệ sinh thái.
Theo đó, tập đoàn Alibaba cho biết sẽ mang đến chuỗi chương trình ưu đãi nhấn mạnh vào yếu tố phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy trải nghiệm toàn diện cho người tiêu dùng, nhà bán hàng lẫn các đối tác trong toàn hệ sinh thái của mình. Lễ hội Mua sắm toàn cầu lần thứ 13 còn là sự kiện được kỳ vọng để lại dấu ấn lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia kỷ lục của 290.000 thương hiệu.
Năm nay, Alibaba sẽ tập trung đổ dồn sự chú ý vào danh mục hiển thị chuyên biệt các hàng hóa “xanh”, giới thiệu những sản phẩm có tính chất tiết kiệm năng lượng, ít gây tác động đến môi trường với nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon. Các phiếu mua hàng “xanh” với tổng giá trị lên đến hơn 15,6 triệu USD (khoảng 356 tỷ đồng) cũng được phát hành nhằm khuyến khích người dùng mua mặt hàng này, đóng góp xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Sự chuyển hướng tập trung vào tính toàn diện và bền vững góp phần làm cho Lễ hội “Mua sắm 11/11” năm nay ý nghĩa hơn, nâng cao tầm ảnh hưởng và vai trò quan trọng của Lễ hội này trong việc khuyến khích các hoạt động bền vững và thúc đẩy sự hòa nhập trong xã hội.
“Trong giai đoạn đầu của 11/11, Alibaba tập trung vào sự tăng trưởng, giống như cách các bậc cha mẹ tập trung phát triển chiều cao và sức khỏe của một đứa trẻ. Nhưng ở độ tuổi thiếu niên, cha mẹ cần chuyển trọng tâm sang việc nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm của chúng. Giờ đây, 11/11 đã trở thành một ‘thiếu niên trưởng thành’. Điều quan trọng với Alibaba hiện tại là tập trung xây dựng hệ thống giá trị, từng bước tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội nói chung”, ông Chris Tung, Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Alibaba dùng phép ẩn dụ về quá trình phát triển của Alibaba để giải thích cho sự chuyển đổi này.
Sự kiện bắt đầu từ ngày 20/10, kéo dài đến hết ngày 11/11 với sự tham gia của 700 nhân vật có sức ảnh hưởng (KOL), người nổi tiếng và đại diện các thương hiệu hàng đầu trong các buổi livestream trên Taobao Live. Taobao sẽ tung ra tính năng mới để người dùng chia sẻ các sản phẩm trong “giỏ hàng” với bạn bè và gia đình. Mỗi chia sẻ thành công trên các đơn thuộc chương trình “Goods for Good” (Hàng hóa cho những điều tốt đẹp) được ghi nhận đóng góp một CNY vào quỹ từ thiện, góp phần tạo trải nghiệm mua sắm mang tính tương tác xã hội cao hơn.
Chương trình “Goods for Good” ra mắt lần đầu năm 2006. Người bán có thể tùy ý quyên góp một phần doanh số của họ cho các tổ chức từ thiện. Người tiêu dùng cũng có thể ủng hộ bằng việc mua sản phẩm trong danh mục này. Với chương trình năm nay, các khoản quyên góp đó sẽ được dùng hỗ trợ ba nhóm đối tượng chính gồm: người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ ở vùng sâu, vùng xa và người lao động có thu nhập thấp tại Trung Quốc.
Ông Chris Tung, Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Alibaba trong lễ khởi động 11/11 lần thứ 13.
Năm 2009, trang thương mại điện tử của Tập đoàn Alibaba lần đầu biến ngày 11/11 thành “ngày hội mua sắm” toàn cầu với khẩu hiệu “dù không có người yêu, vẫn có thể điên cuồng mua sắm”. Trải qua 12 năm, ngày độc thân 11/11 trở thành sự kiện thường niên của không chỉ người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp thương mại. Đây là cơ hội để các sàn thương mại điện tử, nhà bán hàng lẫn thương hiệu nỗ lực mang đến trải nghiệm toàn vẹn, thú vị, khiến người tiêu dùng không tiếc “mở hầu bao”, shopping thả ga.
Trong năm đầu tiên tổ chức, Alibaba đã mở ngày đại hạ giá trên trang thương mại điện tử Tmall với khẩu hiệu “Nhất nguyên miểu sát, toàn trường ngũ chiết” (Bán hàng chớp nhoáng một CNY, khách hàng được giảm 50%). Khi đó, nhiều người không tin và nghĩ đây là ý tưởng “điên rồ”. Với 27 nhà bán hàng, sự kiện “điên rồ” lần đầu tổ chức này thu về kết quả vượt ngoài mong đợi. Những năm tiếp theo, 11/11 không chỉ là ngày mua sắm “cuồng loạn” của quốc gia tỷ dân mà còn thành công biến ngày này thành lễ hội mua sắm hằng năm lớn nhất thế giới.
Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trên các nền tảng của Alibaba ngày 11/11 liên tục xác lập những kỷ lục mới qua từng năm. Hơn 76,4 triệu USD (hơn 1.740 tỷ đồng) là kỷ lục GMV đạt được năm 2020, tăng 26% so với năm 2019. Điều này cho thấy 12 năm qua lễ hội này vẫn có sức hút mãnh liệt với người tiêu dùng Trung Quốc trên các website chủ chốt của Alibaba là Taobao hay Tmall; góp phần không nhỏ thúc đẩy các ranh giới cho lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Đóng góp cho thành công của lễ hội 11/11 còn có hệ thống logistics của Alibaba – Mạng lưới Cainiao. Đơn vị này giúp giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến đơn hàng trong dịp các dịp sale lớn. Mạng lưới Cainiao chú trọng kết hợp các công nghệ mới như hệ thống lưu trữ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy, hỗ trợ toàn bộ mạng lưới logistics với tính minh bạch và hiệu quả cao; quản lý các hoạt động kho hàng… Việc xúc tiến việc giao hàng ở chặng cuối cũng được sử dụng robot tự động để giảm tải lượng công việc cho nhân sự, tiết kiệm chi phí, sức lực.
Người mua hàng đổi vỏ hộp tại một trạm tái chế của Cainiao. Ảnh: Tập đoàn Alibaba
Đặc biệt, để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong dịp “Lễ hội mua sắm 11/11” năm nay, ngay từ ngày đầu tiên mở bán hàng, Mạng lưới Cainiao đã thực hiện tái chế bao bì tại 10.000 trạm bưu điện Cainiao ở 20 thành phố của Trung Quốc. Nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẵn có, Mạng lưới Cainiao hiện giữ vai trò quan trọng trong giải quyết các trở ngại, thách thức về chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra.
Với tầm ảnh hưởng và phạm vi tiếp cận rộng rãi của “Lễ hội 11/11” hiện nay, Alibaba kỳ vọng chuỗi sự kiện lần thứ 13 do tập đoàn phát động không chỉ thúc đẩy doanh số bán hàng, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang lối sống tiêu dùng bền vững. Đây cũng là mục tiêu quan trọng với tập đoàn Alibaba trong các định hướng tương lai.
Theo Vnexpress